Lưu ý khi góp vốn thành lập công ty
Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 có qui định rõ các nội dung sau:
Thứ nhất, Điều 16 qui định về các hành vi bị cấm khi góp vốn và điều 36 về định giá tài sản góp vốn: "Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị." . Nhiều công ty thực tế đang khai khống vốn điều lệ so với số thực tế có thể góp, nhất là các công ty cần gia tăng vốn với mục đích đấu thầu các dự án. Ngoài ra, việc định giá tài sản góp vốn còn nhiều bất cập do các thành viên hầu như chỉ tự định giá tài sản góp vốn với nhau, không sử dụng các dịch vụ định giá chuyên nghiệp và xu hướng là xác định giá trị cao hơn giá trị thực của tài sản góp vốn nhằm tăng vốn và giá trị của doanh nghiệp.
Thứ hai, khoản 3, điều 75 có qui định về trách nhiệm của thành viền góp vốn: "Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định … Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định tại khoản này." Hiện tại nhiều công ty đang đăng ký vốn điều lệ rất cao nhưng đến hạn thì không góp đủ, hoặc bằng các thủ thuật để góp vốn ảo cho đủ vốn đã đăng ký, hệ lụy của vấn đề này sẽ rất lớn đối với thành viên góp vốn khi công ty xẩy ra tranh chấp kiện tụng, đền bù hợp đồng, … thì nghĩa vụ tài chính của chủ sở hữu sẽ trên vốn đã cam kết góp khi không điều chỉnh giảm vốn góp theo thực tế. Qui định tương tự này áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.
Thứ ba, Điều 34, 35 qui định về tài sản góp vốn: "Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam; chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn." Vậy tài sản góp vốn phải là tài sản hợp pháp. Hay nói cách khác tài sản tranh chấp, sở hữu do phạm pháp mà có thì không được dùng để góp vốn. Tài sản theo qui định phải sang tên, đổi chủ thì khi góp vốn vào công ty phải làm thủ tục sang tên công ty, và chỉ coi là góp vốn vào công ty khi đã hoàn thành thủ tục này theo luật định. Riêng Doanh nghiệp tư nhân thì không cần chuyển tên do chịu trách nhiệm vô hạn trên toàn bộ tài sản của cá nhân sở hữu. Ngoài ra, Căn cứ theo Điều 3 của Thông tư 9 năm 2015, các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Thứ tư, Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.” “Sở hữu chéo” là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 96 năm 2015.
Tóm lại, việc góp vốn phải phù hợp với năng lực thực tế của nhà đầu tư và tài sản góp vốn phải phù hợp theo nguyên tắc thị trường, tránh hệ lụy về sau đối với nhà đầu tư khi không thực hiện đúng các qui định về góp vốn trên.